Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2023: Lan tỏa khát vọng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học
Việc công bố Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2023 nhằm lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, khát vọng lao động sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển đất nước của đội ngũ trí thức và các nhà khoa học.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 6/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Vinh danh 79 công trình, giải pháp tiêu biểu
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn cho biết, Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 gồm các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn đã đoạt giải tại các cuộc thi do bộ, ngành, tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức từ năm 2021 đến 30/6/2023. Đây là những công trình được ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất, đời sống, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Từ 199 hồ sơ công trình, giải pháp gửi về, Hội đồng tuyển chọn đã họp, thảo luận kỹ lưỡng và bỏ phiếu kín, sau đó trình Ban Chỉ đạo quyết định công bố 79 công trình và ghi danh 5 công trình, tập thể, 27 cá nhân đạt các giải thưởng quốc tế trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.
Phát biểu tại Lễ công bố, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và biểu dương nỗ lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã hoàn thành việc tuyển chọn, biên tập cuốn Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 một cách bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong những năm qua, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc và các địa phương tổ chức xét chọn và trao nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như: Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc,...
Qua đó đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng. Hàng nghìn công trình khoa học được trao giải đã và đang áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhâp quốc tế.
79 công trình được vinh danh năm nay thuộc nhiều lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm như: Tiết kiệm năng lượng, sản xuất trong nông nghiệp, cơ khí tự động hóa, giáo dục – đào tạo, môi trường, vật liệu, công nghệ thông tin – điện tử, viễn thông…
Đặc biệt năm nay, đã dành sự quan tâm đúng mức để vinh danh các công trình tiêu biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tác giả của các công trình được vinh danh là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, là chủ doanh nghiệp và cả những sinh viên, học sinh.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam trao giấy chứng nhận và Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2023 cho các tác giả, nhóm tác giả - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Khơi dậy sự dấn thân của trí thức, nhà khoa học giải quyết những vấn đề khó, mới
Chúc Sách vàng Sáng tạo Việt Nam ngày càng uy tín, trở thành nơi hội tụ và tỏa sáng nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học của con người Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này chắc chắn sẽ tạo ra xung lực, cơ chế, chính sách mới, môi trường thuận lợi hơn để các nhà khoa học cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ đất nước, nhân dân.
"Chúng ta kỳ vọng với bản lĩnh, trí tuệ, năng lực sáng tạo của người Việt Nam sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và sẽ có nhiều công trình, giải pháp sáng tạo được tuyển chọn và công bố trong Sách vàng sáng tạo của những năm tiếp theo", đồng chí Đỗ Văn Chiến nói.
Qua đó, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sự dấn thân của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế", đồng lòng chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Là đại diện nhóm tác giả có công trình được ghi danh trong Sách Vàng, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, giảng viên cao cấp Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) bày tỏ: "Việc lựa chọn ra các công trình tiêu biểu thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, để đề cử ghi danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam có vai trò ý nghĩa to lớn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam".
PGS.Hoàng cùng các cộng sự có công trình thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam. Đây là nghiên cứu được bắt đầu từ năm 2013, hiện công nghệ được nhóm làm chủ. Thiết bị có tính năng chiến thuật chặn flycam không cho bay vào khu vực cần bảo vệ. Điểm nổi bật sản phẩm so với hãng nước ngoài là tạo ra vùng cấm bay nhân tạo xung quanh mục tiêu bảo vệ bằng cách giả lập tọa độ GPS nhằm đánh lừa thiết bị nhận diện, định vị-dẫn đường bay trên flycam.
Ngoài ra, một số công trình tiêu biểu vinh danh trong Sáng vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023, có thể kể đến như: Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt hoàn thiện 5 mô hình xử lý, cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (nước uống học đường) tại 5 nhà trường thuộc địa bàn khan hiếm nước sạch của tỉnh Hà Giang của tác giả Cao Hồng Kỳ; mô hình "Ngân hàng sữa mẹ" của Th.S Lê Thị Thùy Trang, Bùi Minh Cường, Nguyễn Thị Thu Hà và các cộng sự. Hay ứng dụng phương pháp nút mạch kết hợp phá hủy khối u bằng MWA (đốt nhiệt vi sóng) trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại bệnh viện Bãi Cháy của nhóm tác giả Lê Tiến Hưng, Đoàn Thị Huệ và các cộng sự...
Nguồn: https://baochinhphu.vn/