• Trang chủ
  • Tin tức - sự kiện
  • Khởi nghiệp-Đổi mới sáng tạo
Thứ hai, 18/04/2022 - 08:51

Ngày ĐMST: Hãy nhìn thế giới theo một cách khác

Năm 2017, Liên hợp quốc đã chính thức công nhận ngày 21/4 là Ngày ĐMST (ĐMST) thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của ĐMST đối với sự phát triển mọi mặt của con người. Để “khơi nguồn cảm hứng” ĐMST trong chính bạn, hãy bắt đầu bằng những việc đơn giản nhất.

Sự ra đời của Ngày ĐMST thế giới

Ngày ĐMST thế giới bắt nguồn từ Toronto, Canada. Ngày 25/5/2001, Marci Segal - một công dân Canada, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sáng tạo quốc tế, vô tình nhìn thấy dòng tiêu đề: “Canada trong cuộc khủng hoảng sáng tạo” xuất hiện trên National Post. Giây phút đó khiến cô nghĩ nhiều hơn về những thách thức mà chủ đề này đặt ra đối với lối tư duy truyền thống. Marci Segal tin rằng: “Sẽ rất tuyệt vời nếu mọi người biết cách sử dụng khả năng tự nhiên của mình để tạo ra những ý tưởng mới, đưa ra quyết định mới, hành động mới và đạt được những kết quả mới, để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn và làm cho chính mình cũng trở nên tốt đẹp hơn trong thế giới ấy”. Từ nguồn cảm hứng này, Marci Segal đã tích cực giới thiệu về Ngày ĐMST như một ý tưởng toàn cầu và nhận được sự ủng hộ tích cực của TS Sidney J. Parnes (người đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu sáng tạo quốc tế).

Năm 2002, các tổ chức từ khoảng 50 quốc gia đã tập trung tại Canada để thảo luận về tầm quan trọng của ĐMST trong thế giới ngày nay. Sau đó, để có thêm không gian suy ngẫm, một tuần lễ kỷ niệm đã được tổ chức từ ngày 15/4 (ngày sinh của Leonardo Da Vinci) đến ngày 21/4. Năm 2017, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 21/4 là Ngày ĐMST thế giới, đồng thời đề nghị các tổ chức chính phủ và xã hội dân sự kỷ niệm ngày này “nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của ĐMST trong giải quyết vấn đề và mở rộng phạm vi trong phát triển kinh tế, xã hội và bền vững ”.

ĐMST có lợi trong mọi bước đi của cuộc sống, nghề nghiệp và sự nghiệp. Từ những người trong ngành dịch vụ đang tìm cách cải thiện trải nghiệm của khách hàng đến các nhà khoa học, những người mà mỗi ngày làm việc đều tràn ngập những hiểu biết mới về thế giới và tìm cách để áp dụng nó. Từ các chính trị gia, những người có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để giải quyết vấn đề và hỗ trợ công chúng, đến các nhân viên y tế, những người có thể tìm ra những cách làm mới để bảo vệ bệnh nhân của họ cũng như xã hội.

Nhìn thế giới theo một cách khác

“Kẻ điên rồ là kẻ làm công việc theo một cách duy nhất, lặp đi lặp lại và mong chờ có những kết quả khác nhau”. Bạn không thể cứ làm một công việc duy nhất ngày này qua ngày khác và lại mong chờ có các kết quả khác nhau. Hay nói cách khác, bạn không thể duy trì mãi cách làm cũ mà lại mong chờ kết quả khác đi. Bạn phải thay đổi, nếu bạn thay đổi suy nghĩ và hành động của bạn thì cuộc đời bạn cũng sẽ thay đổi theo.  Điều này cũng có thể được áp dụng cho quá trình sáng tạo trong khoa học.