Chuyển đổi số là gì? Các bước chuyển đổi số của doanh nghiệp 2021
Năm 2020, chỉ có khoảng 3% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại 14 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng chuyển đổi số chưa thực sự quan trọng đối với hoạt động của mình. Kết quả báo cáo này của Cisco & IDC cũng đã ngầm khẳng định: chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược, nếu đứng ngoài, doanh nghiệp sớm muộn sẽ thất bại. Vậy, chuyển đổi số là gì? Quy trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra như thế nào?
Chuyển đổi số là gì?
Khái niệm “chuyển đổi số”
“Chuyển đổi số” còn được biết đến qua tên tiếng Anh là “Digital Transformation” – hiện đang là xu hướng thịnh hành trên toàn thế giới.
Dù “chuyển đổi số” là cụm từ được nhắc và sử dụng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0, nhưng thật khó để đưa ra một khái niệm chuẩn nhất về thuật ngữ này. Ứng dụng vào từng lĩnh vực, chuyển đổi số sẽ mang đến các cách vận hành, kết quả khác nhau. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, khoa học…
Gartner – công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới – cho rằng: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.
Trong khi đó, với Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.
“Cách sử dụng công nghệ để thực hiện lại quy trình sao cho hiệu quả hơn hoặc hiệu quả hơn.” – đây là cách trang Tech Republic – Tạp chí trực tuyến, cộng đồng xã hội dành cho các chuyên gia CNTT giải thích về khái niệm chuyển đổi số.
Khái niệm “chuyển đổi số” được FPT ứng dụng trong công nghệ lĩnh vực công nghệ và định nghĩa như sau: “Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), .. thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.”
Dù với cách định nghĩa nào, chuyển đổi số – Digital Transformation cũng được xem là xu hướng phổ biến trong thời đại Internet bùng nổ. Đặc biệt, với doanh nghiệp, chuyển đổi số là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”.
Hiểu đơn giản, đây là cách ứng dụng công nghệ số một cách logic, hiệu quả vào tất cả khía cạnh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số hoạt động quan trọng doanh nghiệp cần phải thích ứng
Chuyển đổi số gồm những hoạt động gì?
Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải thực hiện một số hoạt động như sau:
Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp.
Áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp.
Chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Các hoạt động khác.
Thay đổi phù hợp và đúng hướng sẽ là “nấc thang” đưa doanh nghiệp chạm đến tầng cao mới.
Tham khảo dịch vụ tư vấn chuyển đổi số miễn phí với Tino Group.
Tại sao doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số?
Doanh nghiệp nào cần chuyển đổi số?
Theo báo cáo của Fujitsu về “Chuyển đổi số toàn cầu năm 2019”, trong 900 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tham gia khảo sát, có:
40% doanh nghiệp đã thực hiện và gặt hái được thành quả từ các dự án chuyển đổi.
Khoảng 40% các dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai.
Dưới 30% các doanh nghiệp chưa thực hiện dự án chuyển đổi số
Có thể thấy: chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Dù hoạt động ở lĩnh vực bán lẻ, tài chính đến chăm sóc sức khỏe, công nghệ, … , bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hướng đến mục tiêu cuối cùng là doanh thu và lợi nhuận. Khởi động các dự án gắn liền với chuyển đổi số được xem là giải pháp phổ biến nhất hiện nay nhằm cải thiện những trải nghiệm của khách hàng, góp phần tăng hiệu quả kinh doanh.
Do đó, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói “không” với chuyển đổi số vì “Chuyển đổi số là con đường tất yếu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, ….” (Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM)).
5 lợi ích của chuyển đổi số với doanh nghiệp
Tăng năng suất lao động – giảm chi phí “đường dài”
Bất kỳ khoản chi tiêu nào của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận chung. Công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều khoản chi mà bạn không ngờ đến, góp phần giữ lại nhiều lợi nhuận cho tập thể. Ví dụ: Trước đây, để kiểm tra, xem xét một sản phẩm, cần có phải sản phẩm thực tế, “cầm trên tay, nhìn bằng mắt thực”, nhân viên mới có thể đánh giá được. Điều này khiến doanh nghiệp tốn không ít chi phí, công sức cho mỗi lần “đánh giá” sản phẩm. Chuyển đổi số 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp với gánh nặng này: trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, bất cứ lúc nào, nhân viên cũng có thể nhìn nhận, đánh giá, quan sát sản phẩm trực quan trên hình ảnh kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, dữ liệu trong thời đại chuyển đổi số sẽ được lưu trữ trên nền tảng công nghệ đám mây và có thể được hỗ trợ quản lý bởi các đơn vị cung cấp giải pháp lưu trữ bên ngoài doanh nghiệp. Nhờ vậy, nhân viên có thể tiết kiệm thời gian, dành thời gian toàn tâm, toàn lực cho những dự án khác. Giảm bớt áp lực, nhẹ bớt lo âu sẽ mang đến hiệu quả công việc tốt hơn rất nhiều.
Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp vẫn có thể tự động hóa các quy trình một cách thủ công. Tuy nhiên, quá trình này tốn rất nhiều thời gian. Thay vào đó, nhân sự có thể dành cho những công việc khác tạo nên nhiều lợi nhuận hơn, ảnh hưởng tích cực đến năng suất và hoạt động của công ty. Theo một nghiên cứu của Microsoft: năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường
Giữa kỷ nguyên với ngành công nghệ lên ngôi, chuyển đổi số trở thành vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp. Đây không còn là sự lựa chọn mà là yếu tố duy trì, quyết định đến tương lai, sự tồn tại của tổ chức.
“Thương trường như chiến trường”, bên cạnh doanh thu cụ thể, các doanh nghiệp còn “cạnh tranh ngầm” với nhau về sự đổi mới, tốc độ hay khả năng thích ứng. Vô hình trung, chuyển đổi số càng có “động lực” để tăng tốc, chiếm lĩnh thị trường. Nhận thức rõ được những lợi ích từ công nghệ số, hầu hết các doanh nghiệp đều lấy đó làm mục tiêu để nỗ lực chuyển đổi số, tăng giá trị với khách hàng.
Để chuyển đổi hiệu quả, không chỉ “đi nhanh”, doanh nghiệp còn cần “đi đúng”. Chọn đúng giải pháp công nghệ tương thích, doanh nghiệp sẽ tiến xa, nâng cao trải nghiệm, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng ở hiện tại và tương lai.
Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng
Với khả năng hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng kiểm tra lịch sử truy cập, thông tin cụ thể về dữ liệu, lịch sử của khách hàng, các giải pháp chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt nhu cầu khách hàng và tạo ra giải pháp để mang đến cho khách hàng cảm giác trải nghiệm tốt nhất. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều bất tiện trong kinh doanh, thậm chí mất đi lượng lớn khách hàng vì không đáp ứng được mong muốn của họ.
Forbes.com cho rằng: chỉ cần tải nhanh thêm 1 giây, doanh thu bán hàng sẽ tăng thêm $7.000 so với doanh thu $100.000/ hàng tháng.
Theo đó, tốc độ tải chậm sẽ khó thu hút được khách hàng, từ đó dẫn đến doanh thu thấp. Vì thế, nguyên tắc “1 giây chậm trễ có thể mất đến 7% doanh thu” luôn tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng 4.0 lấy công nghệ làm chủ lực. Những giây đầu tiên khi trình duyệt bắt đầu xoay vòng có tầm ảnh hưởng đến doanh thu nhiều hơn bạn nghĩ!
Một trong những giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn hiện này: để tăng doanh thu, doanh nghiệp cần có website ổn định. Vì thế, “trao gửi” website cho một nhà cung cấp Hosting/VPS uy tín là một trong những “gạch đầu dòng” không thể bỏ qua trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.
Tạo sự kết nối giữa các phòng ban
Nhờ chuyển đổi số, nhân sự các phòng ban trong công ty sẽ trao đổi, cập nhật thông tin của nhau thường xuyên hơn. Với nền tảng quản trị tự động, nhân viên có thể dễ dàng chia sẻ nhiều nguồn thông tin, tài liệu. Không chỉ “ăn ý” với nhau trong công việc, đồng nghiệp còn có cơ hội quan tâm, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong cuộc sống.
Thông tin minh bạch, rõ ràng
Khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số, nhân sự trong doanh nghiệp sẽ có thể chủ động tiếp cận với nguồn dữ liệu khổng lồ. Thông tin về hiệu quả của quy trình, tỷ lệ chuyển đổi kênh, giá trị lâu dài của khách hàng, … đều minh bạch để mọi nhân sự trong doanh nghiệp có thể theo dõi.
Không chỉ cho phép doanh nghiệp sắp xếp nguồn dữ liệu có trình tự, hợp lý, số hóa doanh nghiệp còn cho phép “chủ động toàn quyền” với nguồn dữ liệu của mình. Nhờ đó, người quản lý sẽ thuận tiện, chính xác và nhanh gọn trong từng quyết định.
Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam
Theo Hướng Dẫn Chuyển Đổi Số Cho Doanh Nghiệp Tại Việt Nam (do Bộ Kế Hoạch Đầu Tư và USAID biên soạn), hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng.
Hiện tại vẫn chưa nhiều công ty chú trọng chuyển đổi số bài bản cho doanh nghiệp của mình
Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh
Các phần mềm, giải pháp chuyển đổi số đã được một tỷ trọng không nhỏ các doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối, cụ thể:
Phần mềm hỗ trợ quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh được đông đảo cửa hàng và doanh nghiệp sử dụng: Kiot Việt, Sapo thu hút khoảng 100.000 cửa hàng sử dụng hay Haravan, Nhanh, … là sự lựa chọn của hàng nghìn doanh nghiệp khác, …
Các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, … thu hút hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh.
Tiếp thị số (digital marketing) trên các nền tảng tiếp thị số như Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram,…được một tỷ trọng lớn các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng như là một phương pháp tiếp thị quan trọng (chiếm khoảng hơn 20% trong tổng chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam) trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.
Chuyển đổi số trong quản trị và vận hành
Chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương,… nhưng nhìn chung, đã có một lượng lớn doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số cơ bản trong quản trị và vận hành, cụ thể là:
Hơn 60% doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm kế toán.
Trên 200.000 doanh nghiệp đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử.
Đa số doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số.
Phần lớn doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến.
Chuyển đổi số trong phương thức tiếp cận
Đối với nhiều doanh nghiệp, chuyển đổi số được xem như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Hàng loạt doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, các doanh nghiệp logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất, … đã áp dụng phương thức hoạt động mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động. Những thay đổi này chỉ mang tính “mới chớm” nhưng thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, dự báo xuất hiện và nhân rộng những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn sang môi trường số.
Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp tại Việt Nam trong cuộc đua chuyển đổi số
Các mô hình chuyển đổi số tại Việt Nam đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động, khả năng tiếp cận công nghệ cao, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng đang phải đối mặt với nhiều rào cản tài chính như chi phí đầu tư vào chuyển đổi số còn cao, hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại kém phát triển, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về công nghệ số cũng như các giải pháp về rủi ro và an ninh mạng, ….
Sự khác biệt giữa số hóa và chuyển đổi số
“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “Số hóa” (Digitizing).
Chuyển đổi số và số hóa cùng áp dụng công nghệ để phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu số hóa là sự chuyển đổi thuần túy từ tương tự sang kỹ thuật số của dữ liệu và tài liệu hiện có thì chuyển đổi dữ liệu là việc sử dụng dữ liệu chuyển đổi đó để phân tích, thay đổi quy trình vận hành, đưa ra những chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp.
Hiểu đơn giản, bạn có thể số hóa một tài liệu (một bản báo cáo) nhưng chuyển đổi số cho một nhà máy là việc chuẩn hóa quy trình thu thập dữ liệu, quy trình làm việc của tổ chức mình. “Số hóa” có thể xem như một phần của quá trình “chuyển đổi số”.
Các công nghệ chuyển đổi số phổ biến hiện nay
Chuyển đổi số ứng dụng nhiều công nghệ tiên phong hàng đầu trên thế giới hiện nay
Vạn vật kết nối (IoT)
IoT chính là quá trình kết nối hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ các thiết bị vật lý thông qua Internet. Với sự hỗ trợ của chip máy tính và mạng không dây, những thiết bị liên quan đến Internet vạn vật đều có thể chia sẻ và thu thập dữ liệu.
IoT cho phép doanh nghiệp lưu trữ khối lượng lớn các dữ liệu về sản phẩm của mình, tùy chỉnh quyền truy cập phù hợp với từng bộ phận, phòng ban của doanh nghiệp, ..hoặc trong lĩnh vực sản xuất, những thiết bị cảm biết được tích hợp vào quy trình hoạt động giúp người quản lý kiểm soát và giám sát dữ liệu vận hành hiệu quả. Nhờ IoT, các vấn đề, rủi ro trong hoạt động sản xuất sẽ được phát hiện sớm, kịp thời khắc phục, sửa chữa lỗi, …
Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin)
Bản chất của Digital twin là một chương trình máy tính. Chúng sử dụng dữ liệu trong đời sống thực để tạo ra các mô phỏng. Mục tiêu của Digital twin là dự đoán phương thức hoạt động của một sản phẩm hoặc quy trình sản xuất.
Nhờ Digital Twin, doanh nghiệp có thể xác định rủi ro nhanh chóng, tăng cường khả năng dự đoán, giám sát từ xa, tăng hiệu suất làm việc nhóm, tiết kiệm chi phí, …
Robotics
Là một lĩnh vực khoa học, kỹ thuật chuyên về thiết kế, xây dựng và ứng dụng robot cơ khí, Robotics là ngành khoa học tạo ra các cỗ máy hiện đại, thông minh nhằm hỗ trợ các hoạt động công việc của con người.
Robotics tạo ra các robot thực hiện nhiệm vụ lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận chuyển hàng hóa ra khỏi kệ, đóng gói sản phẩm, giúp con người phục hồi chấn thương trong trị liệu vật lý, …. thậm chí, chúng còn đồng hành cùng y, bác sĩ khi thực hiện phẫu thuật.
Công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing)
Điện toán đám mây là việc ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng. Thay vì phải sử dụng một hoặc nhiều máy chủ thật (có thể nhìn thấy được ngay trước mắt, tác động trực tiếp: chạm, ấn nút tắt – mở, …) với Cloud Computing, bạn sẽ sử dụng các tài nguyên được ảo hóa (virtualized) thông qua môi trường Internet.
Mọi dữ liệu sẽ được quản lý, lưu trữ hoặc xử lý nhanh chóng. Với những ưu điểm như: linh hoạt, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên, chi phí thấp,…, điện toán đám mây mang lại nhiều tiềm năng vượt trội. Triển khai mô hình này giúp người dùng sở hữu một không gian lưu trữ gần như vô tận, khả năng xử lý từ xa cũng được cải thiện mạnh mẽ.
Trí tuệ nhân tạo (AI/ ML)
AI là chữ viết tắt của cụm từ Artificial Intelligence (tạm dịch: trí tuệ nhân tạo). Trí tuệ nhân tạo AI đề cập đến quá trình mô phỏng trí thông minh của con người để đưa vào máy móc, cải tiến liên tục mang đến những giá trị thiết thực cho nhiều ngành công nghiệp.
Ngày nay, máy móc hiện đại hoạt động dựa trên các phương pháp tiếp cận đa ngành như: toán học, tâm lý, ngôn ngữ học, khoa học máy tính,…
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR)
AR là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Augmented Reality (tạm dịch: công nghệ thực tế ảo tăng cường). Đây là công nghệ dùng để mô phỏng vật thể ảo, làm chúng xuất hiện và con người có thể tương tác chúng trong môi trường thế giới thật.
AR được ứng dụng phổ biến trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt giúp doanh nghiệp chuyển đổi số cải thiện năng suất và chất lượng của nhân viên.
Sản xuất bồi đắp (Additive MFG)
Đây là quá trình chế tạo sản phẩm dựa trên một bản thiết kế kỹ thuật số 3 chiều với độ chính xác, gần với thành phẩm hơn so với in 3D.
Giúp nhà sản xuất rút ngắn thời gian thi công, dễ dàng điều chỉnh bản vẽ thiết kế chỉ với vài cú click chuột, sản phẩm được tạo ra chắc chắn và nhẹ hơn, … Additive MFG đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất.
“Một cây làm chẳng nên non”. Mỗi công nghệ chỉ hỗ trợ được một phần, một giai đoạn, một mảng, … trong quá trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần lựa chọn và sử dụng kết hợp nhiều giải pháp để quá trình chuyển đổi số đạt được hiệu quả cao nhất, toàn diện nhất.
Tài liệu tham khảo thêm về chuyển đổi số
Phần I: Chuyển đổi số trên thế giới và tại Việt Nam
Phần II: Định nghĩa và các khái niệm chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Phần III: Lộ trình chuyển đổi số phổ biến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phần IV: Công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phần V: Chỉ dẫn các giải pháp công nghệ theo lộ trình chuyển đổi số
Phần VI: Các câu hỏi thường gặp
Một số ví dụ về chuyển đổi số
Chuyển đổi số của Nike
Dù là một tập đoàn nổi tiếng trên thị trường về sản xuất giày dép, quần áo thể thao, Nike vẫn không ngừng cải tiến để tiếp cận thế hệ khách hàng mới. Đặc biệt, dưới áp lực trực tiếp từ đại dịch COVID-19, Nike đã dựa vào chuyển đổi số khắc phục những lỗ hổng trong mô hình kinh doanh dần lỗi thời của mình.
Chuyển đổi số thông qua kết nối online – đến tận tay khách hàng: Không chỉ khai thác các nhà phân phối độc quyền, Nike đã chủ động tương tác trực tiếp với khách hàng qua hệ thống thẻ hội viên, dữ liệu số cùng các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, … Điển hình là Chương trình NikePlus: với dữ liệu thông tin có được từ thẻ thành viên, Nike có thể phân tích nhu cầu tiêu dùng của khách và không ngừng hoàn thiện.
Nike đầu tư nâng cấp chuỗi cung ứng: RFID – hệ thống mã theo dõi sản phẩm – giúp Nike dễ dàng kiểm soát sản phẩm trong suốt quy trình sản xuất cho đến khi bán ra thị trường. Những đổi mới đầy sáng tạo này đã liên tục giúp Nike khẳng định đẳng cấp về thương hiệu và chất lượng dịch vụ với khách hàng, tạo được ấn tượng tốt với khách hàng tiềm năng.
Sự hiện diện kỹ thuật số tại Bò Kho Cô Mai
F&B là một mảnh đất màu mỡ, mang đến nhiều quả ngọt nếu doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Thương hiệu Bò Kho Cô Mai Since 1984 là một ví dụ điển hình.
Không đợi đến khi xuất hiện những khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ COVID-19, trước đó, nhạy bén với công nghệ, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Bò Kho Cô Mai Since 1984 đã không ngần ngại “đi tắt đón đầu” với những đổi mới toàn điện từ chất lượng đến trải nghiệm khách hàng.
Chủ động kết nối trực tiếp với khách hàng qua các kênh kỹ thuật số: Thay vì để thực khách sẽ tìm đến nhà hàng như truyền thống, nhà hàng sẽ chủ động tiếp cận để mang đến cho khách hàng một bữa ăn tròn vị. Bất cứ khi nào muốn thưởng thức tô bò kho nóng hổi chuẩn vị Sài Gòn, chỉ cần ghé qua mạng xã hội (Facebook, Instagram), các ứng dụng đặt hàng thông minh (BAEMIN, GrabFood, Now, Loship) hay website order.bokhocomai.com, nhà hàng sẵn lòng đáp ứng yêu cầu của thực khách.
Phương thức thanh toán đa dạng, nhiều ưu đãi: Đặt món dễ dàng, đa dạng kênh thanh toán, tích điểm thành viên, nhiều chương trình ưu đãi, … đến thời điểm hiện tại, Bò Kho Cô Mai Since 1984 đang là một trong những thương hiệu F&B đứng đầu trên các ứng dụng Now/Grab/BAEMIN tại TP.HCM.
Quy trình các bước chuyển đổi số của doanh nghiệp
Bước 1: Chuẩn bị dữ liệu
Trước hết, doanh nghiệp phải thật sự hiểu rõ mong muốn, định hướng, mục tiêu của công ty cũng như những giới hạn, lĩnh vực cụ thể cần được chuyển đổi số. Đó có thể là mảng quản lý nhân sự, quản lý khách hàng, quy trình hay công việc. Khi xác định rõ hướng đi, doanh nghiệp mới có thể chuẩn bị tốt những nội dung tiếp theo.
Sau đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị một nguồn dữ liệu mẫu. Đây sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Bước 2: Lựa chọn nền tảng công nghệ phù hợp
Căn cứ vào những mục tiêu và dữ liệu đã có, doanh nghiệp sẽ đưa ra các tiêu chí để xây dựng hoặc lựa chọn các nền tảng quản trị tương thích.
Một nền tảng quản trị phù hợp sẽ thay thế cho một người điều hành thông minh tăng năng suất công việc, giảm chi phí, công sức và thời gian bỏ ra. Tuy nhiên, nếu chọn nền tảng không phù hợp, doanh nghiệp sẽ gặp khá nhiều khó khăn và thậm chí tổn thất về nhân lực, vật lực.
Ở bước chọn nền tảng, doanh nghiệp nên đầu tư vào truyền thông trong nội bộ tổ chức. Khi được trang bị kiến thức vững vàng, nhân sự trong công ty sẽ nắm bắt nhanh và quá trình triển khai được diễn ra hiệu quả hơn.
Bước 3: Số hóa dữ liệu
Dữ liệu là một phần giá trị trong quy trình chuyển đổi số. Nếu biết cách tận dụng, dữ liệu sẽ là bàn đạp giúp việc chuyển đổi được nhanh hơn. Bên cạnh dữ liệu nội bộ công ty, người lãnh đạo nên khảo sát, chú ý đến dữ liệu của các đối tác, đối thủ của mình để tạo dựng một cái nhìn tổng thể, sau đó nghiên cứu sâu vào số liệu chi tiết.
Số hóa dữ liệu doanh nghiệp cần là: dữ liệu về nhân sự, khách hàng, quy trình, công việc…
Bước 4: Số hóa quy trình chính sách
Hoàn tất số hóa dữ liệu, số hóa chính sách gồm việc số hóa các quy trình nội bộ, quy định nhân sự, về chính sách vận hành kinh doanh.
Muốn số hóa được quy trình, doanh nghiệp cần có sẵn quy trình riêng của tổ chức. Khi đó, mọi tài liệu, thông tin của công ty sẵn có sẽ dễ dàng số hóa.
Bước 5: Lập hệ thống báo cáo
Khi toàn bộ thông tin của công ty đã được số hóa, bước sau cùng là xây dựng một hệ thống báo cáo chỉn chu. Chi tiết báo cáo này xoay quanh việc báo cáo nhân sự, báo cáo tiếp thị, doanh số… Những báo cáo này cần sự nghiêm túc, liên tục xây dựng và cải tiến.
Chuyển đổi số là một hành trình với nhiều giai đoạn khác nhau. Vì vậy, bạn cần phải định hình một hướng đi phù hợp với tiềm lực và mục tiêu của mình. Chúc doanh nghiệp bạn chuyển đổi số thanh công, mang đến nhiều hiệu quả kinh doanh đột phá nhé!
FAQs về chuyển đổi số
“Make in Vietnam” có nghĩa gì trong việc chuyển đổi số? Có phải viết nhầm từ “Made in Vietnam” hay không?
“Made in Vietnam” dùng để chỉ nơi xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, thuế quan, xuất nhập khẩu. Trong khi đó, slogan “Make in Vietnam” do Bộ TT&TT khởi xướng lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác.
“Make in Vietnam” là thuật ngữ nhằm truyền tải chiến lược, lời hiệu triệu và sự chuyển dịch hướng phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Thông điệp này nhằm khuyến khích các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ số và đặt các nền móng quan trọng cho mục tiêu chuyển đổi số của chính phủ, nhà nước để hình thành, kiến tạo chính phủ số, xã hội số, quốc gia số.
Tại sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số trong thời điểm năm nay?
Cuối năm 2020, quá trình chuyển đổi số đã được đông đảo doanh nghiệp lớn áp dụng. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt. Nếu không tiến lên đổi mới, cập nhật, bạn đã ngầm chấp nhận doanh nghiệp của mình bị thụt lùi phía sau.Do đó, 2021 là thời điểm thích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ học hỏi, rút kinh nghiệm, tiếp thu và mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu của khách hàng biến đổi không ngừng, …cũng là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp mạnh mẽ chọn lối đi “chuyển đổi số” cho mình.
Làm sao để cân bằng chi phí cho giải pháp chuyển đổi số?
Đầu tiên cần nêu ra được yêu cầu doanh nghiệp mong muốn là gì để giải quyết các vấn đề trong kinh doanh. Thứ 2, chi phí họ bỏ ra để đạt được điều đó. Cần tạo ra sự cân bằng giữa hai vấn đề này để lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp nhất
Doanh nghiệp không cần làm 1 dự án quá lớn để tốn chi phí đầu tư lớn, có thể bắt đầu chuyển đổi số bằng các dự án nhỏ. Sau khi thấy được giá trị của giải pháp đó mang lại đối với doanh nghiệp, thì mới nghĩ đến một bài toán dài hơi hơn.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để chuyển đối số?
Chuyển đổi số không còn là ép buộc mà đã trở thành lựa chọn tiên quyết để duy trì một doanh nghiệp vững mạnh trong thời đại số. Để chuyển đổi , doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị như sau: sẵn sàng về phương diện lãnh đạo thấu hiểu về công ty, đầy đủ về tổ chức nhân sự và sau cùng là sẵn sàng về công nghệ.
Chuyển đổi số có tồn tại tiêu cực?
Bất kỳ điều gì cũng đều tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực, điều quan trọng là chúng ta phát huy đúng mặt tốt của vấn đề. Công nghệ số ra đời từ những nghiên cứu lớn lao nhưng cũng tiềm tàng nhiều tác hại, ví dụ như chiêu trò lừa đảo, những trang mạng khủng bố, áp dụng công nghệ vì mục đích xấu, …
Nguồn: https://tino.org/vi/chuyen-doi-so-digital-transformation-la-gi/